FAQ về phòng vệ thương mại

Câu hỏi 1: Cụm từ "phòng vệ thương mại" xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam khi nào, do ai đề xuất dịch và vì sao bạn bè trên nhiều nước họ đều thắc mắc, băn khoăn với cách hiểu này của Việt Nam vì theo họ 'Remedies' ở đây không hẳn là "Phòng vệ".

Trả lời: VCCI (Trung tâm WTO):

1. Thuật ngữ Phòng vệ thương mại (PVTM) chính thức được xuất hiện trong văn bản pháp luật của Việt Nam từ Luật Quản lý Ngoại thương năm 2018, trước đó, các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định về từng công cụ PVTM cụ thể (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) mà không dùng thuật ngữ chung "PVTM".

2. Thuật ngữ PVTM bắt đầu được sử dụng trong thực tiễn Việt Nam từ giai đoạn 2002-2004 khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lần đầu tiên vướng vào các vụ việc PVTM lớn.

3. Thuật ngữ PVTM được dịch từ Trade Defence (là cách gọi của EU), trong khi Trade Remedies là cách gọi của Hoa Kỳ. Hiện tại Trade Remedies được WTO sử dụng, nhưng chỉ dùng để chỉ các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp (đúng tính chất "remedies" đối với các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu) mà không bao gồm safeguard.

Câu hỏi 2: Trước kia Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) tham gia quá trình dịch văn kiện WTO dịch cụm từ "Trade Remedies" là "Phòng vệ thương mại". Đến nay Bộ Công thương tiếp nối các Hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) cũng vẫn giữ cách dịch cụm từ trên thành "Phòng vệ thương mại".

Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên gia quốc tế khi tham gia vào các văn kiện của Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn, thắc mắc về cách hiểu và dịch này của Việt Nam. Theo họ, 'Remedies' ở đây không hẳn là "Phòng vệ".

Theo từ điển Longman thì từ này được diễn giải là: "a way of dealing with a problem or making a bad situation better", "a medicine to cure an illness or pain that is not very serious" (giải pháp; phương thuốc).

Trả lời: MOIT (Cục Phòng vệ thương mại):

Trong khuôn khổ WTO, khi đưa ra các quy định về biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ, các biện pháp này được quy định trong các điều khoản, Hiệp định khác nhau. Tuy nhiên, khi đánh giá về các đặc điểm tương đồng của các biện pháp, tùy theo sự phân loại của từng quốc gia, nhiều Thành viên WTO đã gọi nhóm 03 biện pháp này là “trade remedies”. Theo Từ điển pháp lý Barron’s Law Dictionary (Bản thứ 6 xuất bản tại Hoa Kỳ), thuật ngữ “remedy” được hiểu là “the means employed to enforce or redress an injury” (biện pháp được thực hiện nhằm thực thi hoặc khắc phục một thiệt hại). Ngoài ra, trong từ điển pháp lý, “remedy” còn có nghĩa là chế tài.

Với tiêu chí đánh giá là mục tiêu của các biện pháp này là khắc phục, bảo vệ ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại hoặc đe dọa bị thiệt hại, thuật ngữ “remedy” được sử dụng theo nghĩa thứ 2 (biện pháp/chế tài khắc phục thiệt hại). Thêm vào đó, “remedy” cũng được giải nghĩa là các biện pháp chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên nếu như nó xảy ra. Giải nghĩa này cũng phù hợp với đặc điểm của các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.  Có thể hiểu rằng, thuật ngữ “trade remedies” được phát triển dựa trên ý nghĩa biện pháp, phương pháp “chữa trị” cho ngành sản xuất trong nước.

Tương tự như vậy, khi dịch một thuật ngữ mới “trade remedies”, các chuyên gia của Việt Nam cũng đã có sự nghiên cứu phát triển thuật ngữ “phòng vệ thương mại”. Và trong bối cảnh sử dụng thuật ngữ này, không thể tách riêng khái niệm “remedies” để dịch ghép vào mà cần đi vào bản chất của thuật ngữ. Do đó, việc sử dụng từ “phòng vệ” (có nghĩa là biện pháp bảo vệ trước sự xâm hại) để xây dựng thuật ngữ “phòng vệ thương mại” là phù hợp để chỉ mục tiêu của 03 biện pháp (bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu). 

Pinklaw Vietnam