FAQ về quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Câu hỏi 1: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định nếu muốn mở quy thì phải xung quỹ ít nhất 6,5 tỷ đồng (đối với yếu tố nước ngoài thì là 8.7 tỷ đồng), trong khi sau này khi giải thể thì số tiền này bị xung công quỹ, nộp vào ngân sách (khoản 5 Điều 41 Nghị định), tức là đã bỏ tiền vào quỹ là mất đứt. Đây là một điều cần xem xét lại, vì nó làm nản lòng nhiều tổ chức, cá nhân có ý định gửi hồ sơ lập chính thống mà sẽ vận động quỹ theo cách khác để tránh bị sự ràng buộc.

Trả lời: Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội, nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển bền vững về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ. Đồng thời đã ban hành chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện công dân, tổ chức huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ và trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tương thân, tương ái. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 tạo điều kiện cho công dân, tổ chức Việt Nam có nguyện vọng thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Căn cứ khoản 5, khoản 6 Điều 4, khoản 5 Điều 5, điểm d khoản 1 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 1, khoản 2 Điều 14, Điều 23 của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 thì công dân, tổ chức Việt Nam khi thành lập quỹ phải đóng góp tài sản thành lập Quỹ, trường hợp quỹ được cơ quan có thẩm quyền thành lập theo quy định thì tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển thành quyền sở hữu của quỹ theo quy định. Mặt khác, tại Điều 34 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 quy định: “Cá nhân, tổ chức đã góp tài sản vào quỹ không còn quyền sở hữu và trách nhiệm dân sự đối với tài sản đó” nên khi quỹ bị giải thể thì tài sản, tài chính của Quỹ phải thực hiện theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 và quy định pháp luật khác có liên quan đến tài sản, tài chính của quỹ để tránh việc cá nhân, tổ chức lợi dụng việc thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện để tư lợi, gian dối về tài chính, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động phân chia tài sản, tài chính của quỹ cho một số cá nhân, tổ chức được hưởng lợi riêng từ số tài sản, tài chính huy động được từ các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm. (Công văn số 412/TCPCP ngày 27/12/2022, BNV)


Câu hỏi 2: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định nguyên tắc hoạt động của quỹ là "tự chủ, tự trang trải" (khoản 2 Điều 5 Nghị định) tức là những chi phí vận hành hàng ngày, lương công lao động, chi phí rất nhiều thì cũng phải tự chủ mà không nói rõ tự chủ ở đây là tự chủ lấy tiền ở đâu, có được lấy từ số tiền 6,5 tỷ (8.7 tỷ) trên không, hay là Lãnh đạo Quỹ phải tự bỏ thêm tiền túi riêng của mình nếu muốn vận hành mà không được động vào một đồng nào của tiền điều lệ 6,5 tỷ (8.7 tỷ).

Trả lời: Việc chi thực hiện hoạt động quản lý quỹ thực hiện theo Điều 37 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. Theo đó, Hội đồng quản lý quỹ được trích tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ để chi cho các hoạt động quản lý quỹ, trong đó bao gồm: chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý quỹ; chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản chi khác quy định tại Điều 37 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. (Công văn số 412/TCPCP ngày 27/12/2022, BNV)

Điều 37. Chi hoạt động quản lý quỹ
1. Nội dung chi hoạt động quản lý quỹ bao gồm:
a) Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý quỹ;
b) Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định;
c) Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có);
d) Chi mua sắm, sửa chữa vật tư văn phòng, tài sản phục vụ hoạt động của quỹ;
đ) Chi thanh toán dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động của quỹ;
e) Chi các khoản công tác phí phát sinh đi làm các nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ;
g) Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hóa; chi phí chuyển tiền; chi phí liên quan đến phân bổ tiền, hàng cứu trợ);
h) Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của quỹ.
2. Định mức chi hoạt động quản lý quỹ:
a) Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, không quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng và các khoản tài trợ có số tiền, địa chỉ của người nhận);
b) Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ thì Hội đồng quản lý quỹ quy định mức chi nhưng tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ;
c) Trường hợp chi phí quản lý của quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.


Câu hỏi 3: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định mức chi hoạt động quản lý quỹ tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ, nhưng quỹ mới thành lập trong năm đầu chưa có "tổng thu", mà vẫn phải chi tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, trụ sở làm việc, vật tư văn phòng, máy tính, điện thoại, mà lại không được trích tiền chi từ "tài sản đóng góp thành lập quỹ" thì phải trích từ đâu?

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 37 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP thì định mức chi hoạt động quản lý quỹ do Hội đồng quản lý quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý quỹ, không quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ, trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý quỹ vượt quá 5% tổng thu hàng năm của quỹ thì Hội đồng quản lý quỹ quy định mức chi nhưng tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ. 

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Nội vụ tổng hợp phản ánh nêu trên để sơ kết việc thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/11/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện trong năm 2023. Trên cơ sở kết quả sơ kết Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP cho phù hợp. (Công văn số 30/TCPCP ngày 30/01/2023, BNV)


Câu hỏi 4: Cho tôi hỏi là hồ sơ mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ thực hiện theo Điều 21 và hồ sơ đổi tên quỹ thực hiện theo khoản 4 Điều 39 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP có phải không ạ?

Trả lời: Theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì việc mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ thực hiện theo Điều 21 và việc đổi tên quỹ thực hiện theo khoản 4 Điều 39 Nghị định này. (Công văn số 83/TCPCP ngày 28/02/2023, BNV)


Câu hỏi 5: Quỹ cấp xã (vốn 25.000.000 VNĐ) có được ủng hộ qua mạng (qua số tài khoản) cho nơi nhận khác cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh mà không cần phải mở rộng phạm vi hoạt động tức là tăng vốn hay không?

Trả lời: Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 8 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP thì quỹ chỉ được tiếp nhận, vận động tài trợ và chi tài trợ trong phạm vi hoạt động theo quy định của điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Trong quá trình hoạt động, trường hợp quỹ có nguyện vọng mở rộng phạm vi hoạt động thì thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. (Công văn số 1448/BNV-TCPCP ngày 04/4/2023 của Bộ Nội vụ)


Câu hỏi 6: Theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP thì quỹ xã hội nhằm mục đích khuyến khích phát triển, còn quỹ từ thiện nhằm mục đích khắc phục sự cố. Vậy có thể đăng ký một quỹ vừa hoạt động xã hội vừa hoạt động từ thiện hay không?

Trả lời: Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Nội vụ đang tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/11/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi tắt là Nghị định số 93/2019/NĐ-CP) và đề xuất sửa đổi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Do đó, Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị nêu trên và sẽ tổng hợp nghiên cứu trong quá trình tham mưu Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP cho phù hợp. (Công văn số 152/TCPCP ngày 18/4/2023 của Bộ Nội vụ) 


Câu hỏi 7: Nghị định số 93/2019/NĐ-CP và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP cùng nói về tiếp nhận tiền từ thiện, vậy chúng khác nhau điểm nào?

Trả lời: 

Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện là nghị định do Bộ Nội vụ soạn, điều chỉnh hoạt động quỹ từ thiện, quỹ xã hội.

Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo do Bộ Tài chính soạn, điều chỉnh hoạt động từ thiện.

Như vậy, phạm vi của NĐ 2019 là cả công tác từ thiện và công tác xã hội, còn NĐ 2021 là chỉ công tác từ thiện. Tuy nhiên, độ phủ của NĐ 2021 bao trùm rộng hơn, gồm cả quỹ từ thiện NĐ 2019 (điểm e khoản 1 Điều 2 NĐ 2021).


Văn bản tham khảo:

Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện

Pinklaw Vietnam